Chiến tranh thống nhất nước Đức Phổ_(quốc_gia)

Otto von Bismarck

Vào năm 1862 Vua Wilhelm I bổ nhiệm Otto von Bismarck làm Thủ tướng Phổ. Bismarck quyết tâm đánh bại cả những người theo trường phái tự do và trường phái bảo thủ bằng cách tạo ra một nước Đức thống nhất hùng mạnh, dưới sự lãnh đạo của giai cấp thống trị Phổ và hệ thống quan chức, chứ không phải do những người theo chủ nghĩa dân chủ tự do. Ông cho rằng vua Phổ chỉ có thể nhận được sự ủng hộ của nhân dân nếu ông đứng ra lãnh đạo cuộc đấu tranh thống nhất nước Đức. Vì thế Bismarck đã dẫn dắt nước Phổ qua ba cuộc chiến tranh để đưa vua Wilhelm I lên ngôi Hoàng đế Đức.

Chiến tranh Schleswig

Vương quốc Đan Mạch vào thời gian đó liên hiệp trực tiếp với các công quốc SchleswigHolstein, cả hai công quốc này đều có các mối liên hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên chỉ có Holstein thuộc về Liên minh các quốc gia Đức (German Confederation). Chính quyền Đan Mạch ở Copenhagen muốn sáp nhập Schleswig vào Đan Mạch nên đã làm bùng nổ cuộc Chiến tranh Schleswig lần thứ nhất (1848-1851), với Phổ lãnh đạo Liên minh các quốc gia Đức chống lại Đan Mạch. Mặc dù về mặt quân sự, Đan Mạch bị thất bại, nhưng các đế quốc Âu châu làm áp lực buộc Phổ phải trao trả Schleswig và Holstein về cho Đan Mạch, đổi lại Đan Mạch phải hứa sẽ không tìm cách sáp nhập Schleswig nữa. Phổ cũng mất vị thế lãnh đạo trong Liên minh các quốc gia Đức cho Áo trong Thỏa ước Olmütz vào năm 1850, vì Nga lúc đó ủng hộ Áo.

Năm 1863, Đan Mạch ban hành một hiến pháp chung cho cả Đan Mạch và Schleswig. Việc này làm nổ ra một cuộc xung đột mới với Liên minh các quốc gia Đức, khiến Liên minh phê chuẩn chiếm đóng Holstein, còn quân Đan Mạch phải rút khỏi vùng đất này. Năm 1864, quân Áo-Phổ vượt biên giới Holstein và Schleswig, làm nổ ra cuộc Chiến tranh Schleswig lần thứ hai. Quân Áo-Phổ đánh bại quân Đan Mạch, buộc Đan Mạch phải chịu mất cả hai vùng đất này. Theo Thỏa ước Gastein ký kết năm 1865, Phổ chịu trách nhiệm quản lý Schleswig, còn Holstein là trách nhiệm của Áo.

Chiến tranh Áo-Phổ

Nước Phổ mở rộng lãnh thổ từ 1807-1871

Bismarck nhận ra rằng cơ chế quản lý kép Schleswig và Holstein chỉ là một giải pháp tình thế, đồng thời sự căng thẳng cũng tăng dần lên giữa Phổ và Áo. Nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến tranh Áo-Phổ (1866) là sự tranh chấp ngôi bá chủ nước Đức giữa Áo và Phổ, sự bất đồng về Schleswig và Holstein chỉ là ngòi lửa thổi bùng cuộc chiến tranh.

Đứng về phía nước Áo là những bang miền nam (bao gồm BavariaWürttemberg), một số bang miền trung và lãnh địa Hannover ở miền bắc nước Đức; về phía Phổ là đa phần các bang phía bắc nước Đức, một số tiểu bang miền trung và Ý. Quân Phổ được vũ trang tốt hơn hẳn quân Áo, dưới quyền chỉ huy của đại tướng Helmuth von Moltke đã đánh thắng trận chiến quyết định Königgrätz. Nước Áo thua trận, mất quyền bá chủ vào tay nước Phổ và phải rời Liên minh các quốc gia Đức. Trong khi năm xưa vua Friedrich II Đại Đế giành chiến thắng là nhờ lòng dũng cảm và tài năng của chính ông, Thủ tướng Bismarck sẽ không thành công trong sự nghiệp dài lâu của mình nếu không có Đại tướng Helmuth von Moltke.[31] Bismarck chủ trương liên minh với Áo trong tương lai, nên không đặt bất kỳ yêu sách lãnh thổ nào lên Đế quốc Áo. Hòa ước Praha năm 1866 mang lại cho nước Phổ các vùng đất vốn là đồng minh của Áo như Vương quốc Hannover, vùng Hesse-Kassel, Công quốc Nassau, thành phố Frankfurt, toàn bộ miền Schleswig-Holstein, và như vậy đã giúp kết nối tất cả vùng đất thuộc Phổ. Cùng năm, Liên minh các quốc gia Đức giải tán và được thay thế bằng Liên bang miền bắc Đức gồm Phổ và 26 tiểu bang khác vào năm sau.

Thoạt tiên chỉ là một liên minh quân sự, các thành viên của liên minh chấp thuận một hiến pháp cho phép Phổ có một vai trò lãnh đạo trên toàn liên minh, và thực tế là Phổ chiếm tới bốn phần năm diện tích và dân số liên minh. Bản hiến pháp mới được thảo bởi Bismarck là tiền đề cơ bản cho Hiến pháp Đế chế Đức sau này. Nhà vua Phổ và Thủ tướng Phổ trở thành Tổng thống và Thủ tướng của Liên minh miền bắc Đức. Tổng thống có quyền lực hành pháp và chức vị này được dành riêng cho Hoàng gia Hohenzollern trị vì nước Phổ. Dưới Tổng thống là thủ tướng và hai viện. Hạ nghị viện được bầu bằng hình thức phổ thông đầu phiếu, còn Thượng viện, có nhiều quyền lực hơn, được chọn ra bởi thủ hiến các bang. Phổ nắm 17 trong số 43 ghế Thượng viện và có khả năng kiểm soát Thượng viện dễ dàng thông qua liên minh với các bang khác.

Theo kết quả đàm phán hòa bình, các bang miền nam Đức về nguyên tắc vẫn giữ được nền độc lập của mình, được nước Phổ "bảo hộ". Thêm vào đó, các liên minh phòng ngự tương hỗ được ký kết, nhưng Bismarck giữ bí mật về các liên minh này cho tới tận năm 1867, khi nước Pháp định sáp nhập Luxemburg.

Chiến tranh Pháp-Phổ

Hoàng đế Wilhelm I của Đức
Bài chi tiết: Chiến tranh Pháp-Phổ

Cuộc tranh cãi với Đế chế thứ hai (Pháp) về một ứng cử viên của dòng tộc Hohenzollern cho ngai vàng nước Tây Ban Nha bị cả phía Pháp và Bismarck làm cho trở nên gay gắt bởi với sự kiện "bức điện tín từ Ems", nhân việc Đại sứ Pháp tiếp kiến vua Wilhelm của Phổ. Triều đình Napoléon III kỳ vọng một cuộc nội chiến sẽ nổ ra giữa các tiểu quốc Đức, tuyên chiến với Phổ như để kế tiếp sự thù nghịch truyền thống Pháp-Đức. Trung thành với các hiệp ước đã ký với Phổ, các tiểu quốc Đức liên hợp lực lượng với Phổ và nhanh chóng đánh bại Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870. Sau chiến thắng, dưới sự lãnh đạo của Bismarck và nước Phổ, các tiểu quốc Đức như Baden, Württemberg, Bavaria, Mecklenburg, và Saxony chấp thuận gia nhập Đế quốc Đức thống nhất.

Nước Áo, do tiếp tục liên kết với Hungary, nên không gia nhập Đế quốc, và như vậy giải pháp nước Đức nhỏ, tức là một liên minh Đế quốc Đức không bao gồm nước Áo hình thành. Ngày 18 tháng 1 năm 1871, nhân dịp 170 năm lễ đăng quang của Friedrich đệ nhất nước Phổ, vua Wilhelm I của Phổ đăng quang như một Hoàng đế người Đức (chứ không phải là Hoàng đế nước Đức) trong đại sảnh Hall of Mirror tại Lâu đài Versailles, ngoại vi Paris, trong lúc thủ đô của Pháp vẫn đang bị quân Đức bao vây.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phổ_(quốc_gia) http://www.amazon.com/History-Modern-Germany-Hajo-... http://www.amazon.com/Medieval-Germany-Encyclopedi... http://www.amazon.com/Rise-Brandenburg-Prussia-Lan... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/218058/F... http://books.google.com/?id=qsBco40rMPcC http://books.google.com/books?id=-1IEAAAAMBAJ&lpg=... http://www.heritage-history.com/www/heritage.php?D... http://www.heritage-history.com/www/heritage.php?D... http://www.heritage-history.com/www/heritage.php?D... http://bpkgate.picturemaxx.com/index.php?language=...